//Các tác dụng của hoa hoè

Các tác dụng của hoa hoè

Sưu tầm: Trần Hồng Nhung

Hoa hòe là 1 loại thực vật được sử dụng làm dược liệu trong y học cổ truyền. Nó có thể dùng để điều trị các bệnh lý của hệ mạch máu, hệ tuần hoàn hay cải thiện giấc ngủ,… Vậy đặc điểm cây thuốc, thành phần hóa học và tác dụng dược lý của hoa hòe là gì?

1. Hoa hòe là gì?

  • Cây Hoa hòe còn được gọi với tên Hòe mễ, Hòe hoa mễ, Hòe hoa. Tên khoa học Sophora japonica L. – Thuộc họ Cánh bướm Fabaceae (Papilionaceae).
  • Hoa hòe là cây thân gỗ, vỏ sùi, cao 5-6 mét; Lá mọc kép, so le, mỗi lá có từ 7 đến 17 lá chét; Hoa khi nở hình cánh bướm có màu vàng trắng; Quả hình giáp dài hoặc hơi cong ở giữa có hạt.
  • Cây dễ trồng, mọc hoang ở nhiều nơi trong cả nước, thường thấy ở vùng Trung Bộ, có thể trồng bằng cách giâm cành và thu hoạch sau 3-4 năm. Ngoài tác dụng làm dược liệu Hoa hòe còn có tác dụng làm chất nhuộm vàng tự nhiên cho vải.
  • Bộ phận được dùng để làm dược liệu của cây Hoa hòe là nụ hoa chưa nở, thu hái, sấy khô bảo quản và sử dụng.

Thành phần hóa học

  • Hợp chất phytonutrient có hoạt tính cao, có lợi cho sức khỏe.
  • Flavonoid, troxerutin và oxymatrine: Chất chống oxy hóa, hỗ trợ chức năng tim mạch, an thần,…
  • Rutin (hoạt chất quan trọng nhất trong Hoa hòe) – là một glucozid, thủy phân sẽ cho quercetin hay quercetin C15H10O7, glucoza và ramnoza; tan được trong nước, tan nhiều trong cồn và không tan trong ete clorofom và benzen.
  • Trong nụ hoa chưa nở chứa từ 6-30% rutin, rất có lợi cho hệ tuần hoàn, nếu hoa đã nở hàm lượng rutin cũng giảm đi nhiều. Vì vậy, thu hái dược liệu vào lúc có nhiều nụ to, trước mùa hoa chưa nở, thông thường vào tháng 7, 8, 9.

2. Tác dụng dược lý của hoa hòe

Tác dụng của Hoa hòe theo y học cổ truyền:

  • Theo y học cổ truyền Hoa hòe có vị đắng nhẹ, tính hàn, quy kinh Can, Đại Trường, có mùi thơm đặc trưng, thuộc nhóm thuốc cầm máu.
  • Tác dụng: Lương huyết, thanh nhiệt, chỉ huyết. Chữa các chứng đại tiện ra máu, rong kinhbăng huyết, chảy máu cam do huyết nhiệt, viêm nhiễm… Các chứng huyễn vựng, đau đầu, mất ngủ,…

Tác dụng của Hoa hòe theo y học hiện đại:

  • Chống oxy hóa mạnh mẽ, hỗ trợ sức khỏe hệ tuần hoàn.
  • Thành phần rutin (vitamin PP) tăng sức bền, sự dẻo dai của thành mạch.
  • Hỗ trợ điều trị cao huyết áp, xơ vữa động mạch.
  • Hỗ trợ điều trị di chứng sau tai biến mạch máu não.
  • Tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, điều trị các bệnh lý viêm gan do virus siêu vi B, C.
  • Bảo vệ tế bào gan, chống ngưng kết tiểu cầu.
  • Hạ cholesterol máu, giảm co thắt cơ trơn phế quản và ruột (thành phần quercetin).
  • Điều trị chảy máu cam, trĩ gây xuất huyết,…
  • Tăng sức đề kháng cho cơ thể ở những bệnh nhân suy nhược, bệnh lao,…

3. Cách dùng và liều dùng

  • Hòe hoa sau khi được thu hái, phơi khô sẽ được bảo quản và sử dụng hãm nước uống, uống như trà hàng ngày. Nếu sử dụng với mục đích điều trị bệnh, có thể phối hợp Hoa hòe với các vị thuốc khác trong các bài thuốc cổ phương hoặc bài thuốc dân gian.
  • Thông thường dùng từ 5 – 20g Hoa hòe/ ngày.
  • Hiện nay các hoạt chất rutin có trong Hoa hòe đã được chiết xuất và tạo thành các viên uống tổng hợp với hiệu quả cao hơn.

4. Các bài thuốc từ hòe hoa

Tác dụng chữa bệnh trĩ của hòe hoa:

  • Sử dụng Hòe hoa hãm nước trà uống hàng ngày làm tăng quá trình vận mạch, giảm đau nhức ở người bị bệnh trĩ. Thành phần oxymatrine trong hoa hòe giúp tăng cường sức bệnh của các mạch máu ở búi trĩ, làm chúng giảm sưng.
  • Bài thuốc: Quả hòe phối hợp với khổ sâm lượng bằng nhau nghiền thành bột hòa với nước bôi ngoài búi trĩ.

Tác dụng đối với sức khỏe tim mạch:

  • Trà hòe hoa hỗ trợ ổn định nhịp tim, giảm sự hình thành cục máu đông, bảo vệ cải thiện chức năng của cơ tế.
  • Sử dụng hàng ngày giúp phòng ngừa các bệnh lý hệ tim mạch như xơ vữa động mạch và hạ huyết áp.

Tác dụng của hòe hoa đối với giấc ngủ:

  • Hòe hoa có tính mát, giúp thanh nhiệt lương huyết, an thần,… cải thiện tình trạng ngủ ngáy, ngủ không sâu giấc.

Tác dụng của hòe hoa đối với huyết áp:

  • Nhờ hợp chất Rutin bảo vệ, tăng cường sức khỏe của thành mạch, giúp ổn định được huyết áp và phòng ngừa các biến chứng do cao huyết áp gây ra như: xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não.
  • Bài thuốc: Hoa hòe 25g, tang ký sinh 25g, hạ khô thảo 20g, xuyên khung 20g, địa long 15g. Sắc uống nước uống ngày 1 thang, chia làm 3 lần uống.
  • Bài thuốc: hoa hòe 15g, cát căn 30g, sung úy tử 15g, sắc uống ngày 1 thang, chia làm 3 lần uống.

Tác dụng cầm máu:

  • Rutin làm giảm tính thấm và tăng độ bền của mao mạch, do đó hiệu quả trong việc cầm máu ở các trường hợp: trĩ chảy máu, đại tiện ra máu, chảy máu cam, băng huyết, rong kinh,…
  • Bài thuốc chữa đại tiện ra máu: Hoa hòe, trắc bá diệp, kinh giới tuệ và chỉ xác, lượng bằng nhau, sấy khô, tán bột; mỗi ngày uống 6g với nước cơm hoặc nước lọc; HOẶC hoa hòe 60g, địa du 45g, thương truật 45g, cam thảo 30g, sao thơm sấy khô,tán bột uống mỗi ngày 2 lần, mỗi ngày uống 6g.
  • Bài thuốc chữa băng huyết: Hoa hòe lâu năm 30g, bách thảo sương 15g, tán bột, hòa với rượu ấm, uống mỗi lần 9-12g.

Tác dụng giảm cân của hoa hòe:

  • Các hoạt chất hóa học có trong hoa giúp làm hạ cholesterol máu, hạn chế tình trạng tích tụ mỡ thừa, loại bỏ độc tố,… điều này góp phần tăng hiệu quả giảm cân.

Tác dụng trị viêm khớp của hoa hòe:

  • Các hoạt chất trong Hoa hòe có tác dụng kháng viêm, do đó ở những bệnh nhân viêm khớp mạn tính kết hợp hoa hòe và các phương pháp dinh dưỡng luyện tập sẽ cải thiện tình trạng sưng đau của khớp viêm.

5. Một số lưu ý khi sử dụng hoa hòe

  • Hòe hoa có tính hơi hàn, do đó người Tỳ vị hư yếu (hay bị đau bụng, khó tiêu, chậm tiêu) thận trọng khi sử dụng. Nên phối hợp với các loại dược liệu có tính ấm để cân bằng.
  • Bệnh nhân bị thiếu máu, hay choáng, đau đầu chóng mặt không nên sử dụng.
  • Chưa chứng minh được hiệu quả an toàn cho thai nhi, do đó phụ nữ có thai không nên sử dụng trà Hòe hoa hay các dược phẩm có chứa Hòe hoa.
  • Hòe hoa không có độc tính, tuy nhiên nếu làm dụng với hàm lượng quá cao sẽ gây một số biến chứng bệnh trầm trọng hơn.
  • Khi phối hợp điều trị với bất cứ loại thuốc Tây y nào đều cần có sự tư vấn của bác sĩ để đề phòng một số tương tác bất lợi.

Tóm lại, hòe hoa là một loại dược liệu thiên nhiên có nhiều công dụng cho sức khỏe đặc biệt là tác dụng trên hệ mạch máu và tác dụng hạ huyết áp. Tuy nhiên, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ y học cổ truyền để sử dụng vị thuốc này 1 cách an toàn và hiệu quả.